Tôi đã trở thành một Voice Talent như thế nào?

Cô gái ơi, hồi đó em có học các lớp voice talent ở đâu không? Giọng tự nhiên của em đã hay vậy rồi hả. 

Đó là một trong những câu hỏi mà mình thường xuyên được inbox để hỏi và nhờ chia sẻ. Bên cạnh đó, cũng không ít bạn hỏi về hành trình trở thành Voice Talent của mình và những câu chuyện về nghề. Chính vì vậy ngày hôm nay mình sẽ tranh thủ chia sẻ lại câu chuyện của mình cũng như những yếu tố chính mà nghề Voice Talent cần có. Hi vọng sẽ hữu ích cho các bạn. 

1% là năng khiếu, 99% là luyện tập

Sự thực là mình không có qua 1 lớp học luyện voice nào cả. Sau khi xong đại học và tham gia 1 số clb radio, mình trở thành phát thanh viên radio và nhảy vào “ngành voice” cọ xát luôn. 

Để có được 1 giọng nói tốt, đó là cả 1 quá trình rèn luyện và tự học, chứ không phải tự nhiên sẵn có. Và sự thực thì cho đến bây giờ mình vẫn còn muốn rèn luyện nhiều thêm nữa để đáp ứng nhiều sắc thái, yêu cầu, thể loại voice hơn của khách hàng trong tương lai. Với mình, một giọng nói tốt là một giọng nói đa -zi – năng!

Đối với mình và nhiều bạn voice talent khác thì nghề này 1% là năng khiếu, 99% là luyện tập. Cá nhân mình khi mới bắt đầu đọc văn bản còn hay bị vấp, gặp những cái lỗi mà người bình thường ít bị gặp. 

Quá trình rèn luyện của mình là: Mình thực hành đọc/ nói/ luyện tập trung bình một ngày 4 – 6 tiếng trong phòng thu, suốt 5 ngày trong 1 tuần, ròng rã liên tục như vậy 1 năm rưỡi. Hồi đó, để hạn chế việc đọc vấp, lỗi, tụi mình đã quy định mỗi khi vào phòng thu, ai đọc vấp 3 lỗi là bị phạt 5.000đ. 

Cứ thế, trong 3 năm tiếp theo, mình thay đổi môi trường nhưng vẫn duy trì nghề Voice Talent như một đam mê không thể bỏ. Thời điểm đó, mình cộng tác với một số đơn vị và dành mỗi ngày ít nhất 2 tiếng cho nghề rồi gần như duy trì nhịp độ như vậy cho đến tận hiện nay.

Như lúc đầu đã nói, bản thân mình không đi học 1 lớp thanh nhạc hay luyện giọng nào, nhưng mình may mắn có cơ hội học tập và rèn luyện trong lúc làm việc. Công việc của mình sau khi tốt nghiệp là phát thanh viên và Biên tập cho các chương trên đài PTTH Đồng Nai FM 95,7 MHz. Thời điểm năm 2014 – 2015 nếu đi xe bus thì các bạn có thể bắt gặp chương trình của mình được phát.

Làm việc ở đây rất là áp lực vì bạn bè đồng nghiệp xung quanh có rất giỏi và nhiều tài lẻ. Nhưng đó cũng chính là cơ hội và động lực để mình dấn thân.

Giọng nói cũng giống như cơ bắp, cần luyện tập thường xuyên

Quay trở lại với việc luyện tập chỉnh sửa giọng nói – thì nó cần quá trình, giống như tập đọc / nghe/ nói tiếng Anh. Không chỉ luyện tập, nó cũng cần cả thời gian để thẩm thấu. Do đó bạn không thể vội vã, mong thấy kết quả ngay. Nhưng nếu bạn kiên trì, sau 3 tháng sẽ thấy sự khác biệt rất lớn.

Nếu mình tự ghi âm và mở nghe giọng của mình 3 tháng trước thì tự mình thấy ám ảnh với giọng của mình vì nó… rất ghê. Đối với người trong nghề thì bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt rất nhỏ từ hơi thở, cách ngắt nhịp, nhả giọng lên xuống, tiếng nước miếng, v.v..

Nếu bạn đã có một thời gian luyện tập và giọng của bạn đã tốt lên, nhưng bẵng đi 1 thời gian bỏ bê thì sẽ mất phong độ. Khi quay trở lại thì bạn sẽ thấy giọng nói mình bị cứng hơn, khi đọc dễ bị vấp hơn hoặc là đổi style khó hơn, mất nhiều thời gian hơn giọng nói của bạn khi ở “thời kì đỉnh cao”. Cho nên giống như cơ bắp hay trí não, giọng nói cũng cần luyện tập thường xuyên để duy trì.

Nói như vậy có nghĩa là bạn phải thường xuyên luyện tập để giữ vững phong độ. Cái cuối cùng vẫn là sư quyết tâm, kiên nhẫn luyện tập, đam mê! Đừng bao giờ có cái từ “lười”, từ “nản” trong từ điển.

Đối với những ai chỉ mới bắt đầu thì có thể tìm mấy lớp luyện thanh hoặc lồng tiếng để học / trải nghiệm.

Làm voice Talent – thì Liên đọc các thể loại nào?

Làm voice Talent – kiếm tiền bằng giọng nói – thì bạn phải luyện tập để giọng nói của mình phải đa năng, có thể sử dụng được ở nhiều thể loại.

Bước vào nghề kiếm tiền bằng giọng nói, bạn sẽ đọc các thể loại thuyết minh phim tài liệu, đọc thuyết minh cho clip của công ty, đọc TVC, đọc sách nói, thu âm tổng đài điện thoại, đọc truyện cho thiếu nhi, đọc voice phát ở siêu thị điện máy, lồng tiếng phim hoạt hình…
Và yêu cầu của mỗi thể loại rất khác nhau. 

Mỗi lần nhận được đơn đặt hàng của khách, mình phải luyện tập trước thật nhiều lần để nắm bắt cái thần thái của thể loại này và tập cho nhuần nhuyễn rồi mới thu. Nói không phải ngoa, đối với những thể loại TVC 30s, mình phải tự luyện tập ít nhất 30 lần rồi mới lấy bản final.
Đây cũng chính là lí do mà Voice Talent cần được trả thù lao xứng đáng, bởi chỉ 30s nhưng nó là kết quả của quá trình luyện tập suốt “một đời”.

Niềm vui khi làm Voice Talent?

Đó là khi nhận được feedback khen của khách hàng.
Đó là cơ hội làm việc với các nhãn hàng nổi tiếng, biết về các sản phẩm mới họ sắp tung ra.
Đó là khi lâu lâu lại có bạn bè, người thân quẳng cho mình một cái link của clip qc nào đó rồi hỏi giọng của em hả.
Đó là khi mọi người thấy mình chia sẻ 1 đoạn voice thì nhận ra cái giọng quen quen trên 1 kênh youtube mà họ đang follow. 
Đó là khi chuông điện thoại ting ting báo chuyển khoản từ khách hàng cho cái voice mình vừa thu.
Đó là khi có dịp tiếp tục được duy trì với niềm đam mê với giọng nói từ khi còn nhỏ. (Từ nhỏ mình đã có thói quen tự đọc truyện, đọc thơ cho mình nghe. Nên dù giờ có kiếm ra tiền hay không mình vẫn đọc để giải trí. Vậy thì thiệt là vui vì đam mê lại giúp mình kiếm ra tiền nhỉ).

Stress khi làm Voice Talent?

Đó là khi chờ tới giờ G, vừa bật MIC lên, chuẩn bị lên giọng thì y như rằng nhà hàng xóm kéo cửa, xem phim chưởng, hát karaoke, băm thịt, tiếng trẻ con khóc, tiếng nẹt pô xe máy…
Đó là khi mình thu liên tục 1 thể loại (vd audio book) thì khi quay sang thu TVC hoặc 1 thể loại khác thì mình cần phải cần thời gian để thích nghi nắm bắt thần thái, giọng điệu của thể loại mới.
Đó là khi thu âm xong, gửi cho khách hàng và hồi hộp chờ feedback.
Đó là khi thận trọng để tiếng thở của mình không bị thu vào MIC khi nói.
Đó là khi thu âm xong, chuẩn bị gửi khách thì lỡ tay xóa mất file.
Đó là khi thu âm xong, bật lên nghe lại thì phát hiện lúc nãy quên bấm record.
Đó là khi thu âm xong, phát hiện MIC có vấn đề nên không có âm thanh.
Đó là khi lâu lâu mở lại voice của mình nghe và thấy thật hay, nhưng lắm lúc mở lại nghe thì thấy rất chán và tự cảm nhận sao giọng mình nó ghê thế.
Là Voice Talent, bạn trở nên cầu toàn và thành người theo “chủ nghĩa hoàn hảo” cực đoan!

Tại sao mình không tập trung làm Voice Talent mà còn rẽ sang các công việc khác?

Sau khi nghỉ công việc phát thanh viên, mình có 1 năm GAP YEAR rồi dấn thân sang ngành marketing. Trong cái năm GAP YEAR là năm mình dành thời gian và trải nghiệm để lắng nghe tiếng nói bên trong của mình. 

Khi đó, mình nhận ra còn rất trẻ, chưa va vấp, mình muốn trải nghiệm 1 thế giới đa dạng, hơn là quanh quẩn ngày 8 tiếng trong phòng thu âm. Khi ở trong phòng thu, với 4 bức tường cách âm, dường như mình ở 1 thế giới khác. Bên ngoài làm sao, nắng mưa thế nào, mình không thể biết. Các kịch bản cứ nối tiếp nhau và mình chạy cho kịp deadline.

Nói theo một cách nào đó thì mình cũng đã đánh đổi nhiều điều. 

Nên mình có 1 quyết định bước ngoặt.

Cũng chính cái ngã rẽ này dẫn tới việc mình phát triển blog cá nhân, đi du lịch nhiều hơn, viết nhiều hơn và trở thành Travel Blogger. Tiếp sau đó mình còn dấn thân vào chạy bộ, viết blog về chạy bộ và làm MC chạy bộ.

Tuy nhiên không vì vậy mà mình từ bỏ nghề Voice Talent. Quan điểm của mình là: “Cuộc sống của mình nằm trên bàn tay mình, do mình quyết định”. Thay vì gắn bó với phòng thu ngày 8 tiếng full time, mình chuyển qua tự marketing và nhận các dự án freelance.
Giữa các ngã rẽ cuộc đời, mình không từ bỏ 1 cái gì cả, mình vẫn tiếp tục duy trì đam mê và chọn phát triển song song.

Cái giá phải trả khi đi theo đam mê?

Cái giá phải trả để mình vừa làm marketing full time, vừa là 1 Voice Talent và 1 Travel Blogger, cùng những hoạt động khác, đó chính là thời gian và áp lực.

Khi mình hợp tác với 1 đơn vị để sản xuất sản phẩm liên tục, thì ngoài công việc 8 tiếng mỗi ngày, ngoài thỉnh thoảng viết blog, viết báo, thì trung bình mỗi tối mình phải đọc voice cho 2 sản phẩm.

Thường đối tác sẽ gửi kịch bản vào khoảng 10h tối. Và sau 10h tối mình mới bắt đầu bật mic thu âm. Nếu thu thuận lợi thì mất khoảng hơn 1 tiếng cho 2 kịch bản. Hoặc lâu hơn thì tầm 2 tiếng. Đều đặn các ngày trong tuần như vậy từ thứ 2 đến chủ nhật, rất là áp lực về mặt thời gian.

Bởi vậy mỗi lần đi du lịch thì trong vali mình cũng mang theo cái MIC phòng thân, hoặc sắp xếp/ “đổi ca” với các bạn Voice Talent đồng nghiệp để chạy trước dealine :)) Cho nên trước mỗi chuyến đi du lịch, đi làm MC chạy bộ hay đi công tác xa nói chung, mình “luôn vắt chân lên cổ”.

Căng thẳng là vậy, tuy nhiên đó vừa là áp lực, vừa là cơ hội. Vì nhờ làm việc nhiều, cọ xát nhiều thì voice của mình tiến bộ lên từng ngày, một cách nhanh hơn.

Người ta nói rằng không chịu được áp lực, đừng mong có kim cương. Nếu bạn đã quyết tâm đi theo tiếng gọi của trái tim với nghề Voice Talent thì “kiên nhẫn”, “không ngừng luyện tập” là những chữ cần đem gối đầu giường.

Đối với ai không hướng tới việc làm Voice Talent nhưng muốn rèn luyện giọng nói để thuyết trình, nói chuyện trước công chúng, hoặc tự làm 1 cái chanel riêng cho mình… thì thiết nghĩ đây cũng là chiếc chìa khóa để giúp các bạn có thêm động lực cố gắng rèn luyện.

Minh Phong Media

Bạn đang khó khăn trong việc tìm kiếm giọng đọc phù hợp với sản phẩm, nhãn hàng? Hãy bốc máy lên và gọi điện cho Minh Phong để được tư vấn, lựa chọn giọng đọc phù hợp. Chỉ cần có kịch bản, yêu cầu giọng đọc, chúng tôi sẽ giúp quý khách hài lòng với lựa chọn của mình

Gần đây